Bản đồ kế hoạch sử dụng đất huyện Bàu Bàng (Bình Dương) giai đoạn 2021 – 2030 cập nhật 10/2024 bao gồm các công trình dân dụng, khu dân cư đô thị, cơ quan, công nghiệp, hạ tầng giao thông, giáo dục, …
Hành chính và vị trí địa lý
Huyện Bàu Bàng có diện tích 33.915,69 ha và 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Lai Uyên (huyện lỵ) và 6 xã: Cây Trường II, Hưng Hòa, Lai Hưng, Long Nguyên, Tân Hưng, Trừ Văn Thố.
Huyện Bàu Bàng nằm ở phía bắc tỉnh Bình Dương, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp huyện Phú Giáo
- Phía tây giáp huyện Dầu Tiếng
- Phía nam giáp thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên
- Phía bắc giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Với chiến lược dịch chuyển công nghiệp lên phía Bắc tỉnh Bình Dương, Bàu Bàng đang là địa phương có tốc độ phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị, giao thông nhanh nhất tại Bình Dương.
Bàu Bàng hiện có Khu công nghiệp Bàu Bàng đang hoạt động hiện hữu, và các Khu công nghiệp Cây Trường 2, KCN Khoa Học Công Nghệ, KCN Lai Hưng, Cảng logistics 294 ha, … đang được quy hoạch.
Quy hoạch giao thông huyện Bàu Bàng
Đường bộ
Quốc lộ 13 : Là trục đường chiến lược quan trọng, xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, đi dọc suốt chiều dài của tỉnh từ Nam lên phía Bắc nối với tỉnh Bình Phước.
Ngoài ý nghĩa chiến lược về kinh tế, đây là tuyến đường quan trọng trong an ninh quốc phòng. Đoạn đi qua khu vực huyện Bàu Bàng dài 22,87km từ ranh giới phía Nam xã Lai Hưng giáp phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát đến ranh giới phía Bắc xã Trừ Văn Thố giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Quốc lộ 13 đoạn qua huyện Bàu Bàng sẽ được nâng cấp mở rộng với quy mô 10 làn xe, gồm phần đường chính 25m, phần đường gom 7,5mx2, các giải phân cách 4,0mx2, vỉa hè 7,25mx2, lộ giới 62m.
Đường Hồ Chí Minh : Đoạn từ ranh tỉnh Bình Phước đến ranh huyện Dầu Tiếng dài 10,67km; bước đầu cơ bản đã hình thành tuyến, giải phóng mặt bằng và rải cấp phối đá dăm.
Đường tạo lực Mỹ Phước – Bàu Bàng – Tân Vạn vừa được thông xe toàn tuyến, có chiều dài 10,9km, đi qua hai địa phương là huyện Bàu Bàng (6,8km) và thị xã Bến Cát (4,1km).
Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao cấp sẽ kết nối với đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông của toàn vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành : Theo quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đoạn từ Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có quy mô 6-8 làn xe.
Đường tỉnh 745A (Vành đai 5) : Đoạn từ ĐT. 741 đến ranh huyện Dầu Tiếng dài 23,5km. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp II với quy mô 6 làn xe, lộ giới 60m.
Đường tỉnh 745C : Đoạn từ QL 13 đến ranh huyện Dầu Tiếng dài 12,4km. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp II với quy mô 6 làn xe, lộ giới 60m.
Đường ĐT 741B : Điểm đầu Ngã 3 Bố Lá (giáp ĐT.741), điểm cuối Ngã 3 tượng đài chiến thắng Bàu Bàng (giáp Quốc lộ 13) đi qua địa bàn xã Hưng Hòa, xã Tân Hưng và thị trấn Lai Uyên. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa, là đường trục phía Đông Nam huyện kết nối trung tâm huyện với KCN Tân Bình và khu đô thị Cổng Xanh trong tương lai.
Nâng cấp mở rộng :
- Đoạn 1 dài 7,5km trùng với đường ĐT 745A. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 6 làn xe, lộ giới 60m.
- Đoạn 2 từ nút giao thông với đường ĐT 745A đến Ql 13 dài 4,8km. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 42m
Đường ĐT 749A : Đường trục phía Tây huyện kết nối trung tâm thị xã Bến Cát về phía Nam và huyện Dầu Tiếng về phía Bắc, là tuyến đường động lực giao lưu kinh tế, thương mại hàng hóa góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị.
Điểm đầu tại cầu Quan, huyện Bến Cát, điểm cuối tại ngã ba Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, dài 12km. Quy hoạch tuyến ĐT.749A đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 4 làn xe, lộ giới 42m.
Đường ĐT 749C : Điểm đầu Ngã 3 ấp Bàu Bàng (giáp Quốc lộ 13), điểm cuối Ngã 3 suối Đòn Gánh (giáp ĐT.749A) tuyến đường trục Đông Tây kết nối trung tâm huyện, khu đô thị công nghiệp Bàu Bàng với trung tâm xã Long Nguyên.
Đường ĐT.749C cùng với ĐT.749A là trục giao thông chính theo hướng Đông Tây và Bắc Nam của xã Long Nguyên, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của xã, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị. Quy hoạch tuyến ĐT.749C đạt tiêu chuẩn đường đô thị, quy mô 4 làn xe, lộ giới 42m.
Đường ĐT 750 : Trục đường Đông Tây phía Bắc của huyện đi qua địa bàn các xã Cây Trường II, Trừ Văn Thố, Lai Uyên kết nối huyện Dầu Tiếng về phía Tây và huyện Phú Giáo về phía Đông.
Là tuyến đường chính thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các xã phía Bắc huyện, trong tương lai sẽ đấu nối với tuyến đường Hồ Chí Minh là cơ hội lớn để giao lưu kinh tế, giao thương hàng hóa với các vùng kinh tế lớn của cả nước. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp II, quy mô 6 làn xe, lộ giới 42m.
Đường Vành đai 5 : Điểm đầu giao Vành đai 4 tại xã Tân Lập, Bắc Tân Uyên theo đường 741B đến Tân Hưng, theo hướng Tây đi trùng với đường DC KCN Bàu Bàng, qua xã Tân Hưng, Hưng Hòa trùng với đường tỉnh ĐT.741B. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 6 làn xe, lộ giới 60m.
Các tuyến giao thông mở mới:
Đường Đông Tây 1: Điểm đầu giao với đường ĐT 748 xã An Lập, Dầu Tiếng. Điểm cuối giao với đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng tại xã Tân Thành, Bắc Tân Uyên. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 6 làn xe, lộ giới 42m.
Đường Bắc Nam 1: Điểm đầu giao với đường ĐH 239 tại huyện Chơn Thành, Bình Phước, điểm cuối giao với đường ĐH.611 tại xã Lại Hưng. Quy hoạch theo tiêu chuẩn đường đô thị, lộ giới 62m.
Đường Tây quốc lộ 13: Gồm 2 đoạn: Đoạn 1 dài 3,77km bắt đầu từ vị trí ranh 2 tỉnh qua kênh Phước Hòa kết nối đường thuộc KCN KHCN Bàu Bàng đến đường ĐT. 750, Đoạn 2 dài 5,4km xuất phát từ đường DC thuộc KCN đô thị Bàu Bàng đến đường ĐH 626 đến giao đường ĐT 750. Quy mô đề xuất 8 làn xe với bề rộng nền đường 48m.
Đường sắt
Đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh : Theo quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2015 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuyến đường sắt này có khổ ray 1435mm, đoạn Dĩ An – Chơn Thành là đường đôi; đoạn qua huyện Bàu Bàng dài 30,83km.
Bên cạnh đó, với vai trò là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh và tập trung nhiều khu công nghiệp, đô thị lớn, đề xuất bố trí ga đường sắt nhằm phục vụ cho việc đón trả khách và tổ chức xếp dỡ hàng hóa; Vị trí ga dự kiến bố trí gắn kết với khu vực Logictics ở phía đông huyện, gần đường vành đai 5.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 3247/QĐ-UBND ngày 16/12/2013 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn huyện Bàu Bàng có 2 tuyến đường sắt đô thị:
– Tuyến số 3 (Tuyến TP. Mới – Mỹ Phước – Bàu Bàng – Long Nguyên): Từ ga trung tâm tại thành phố mới theo đường Mỹ Phước – Tân Vạn, tới KCN Mỹ Phước rồi dọc theo QL13 tới Bàu Bàng, Tuyến kết nối trung tâm Nam Bến Cát và Bắc Bến Cát với trung tâm thành phố mới, đồng thời là tuyến trung chuyển cho tuyến 7 về thành phố mới.
– Tuyến 7 (Mỹ Phước-Dầu Tiếng): Tuyến kết nối với tuyến 3 tại Mỹ Phước, theo ĐT.749A qua đô thị Long Nguyên, Long Hòa, theo ĐT.750 đến thị trấn Dầu Tiếng.
– Các tuyến đường sắt được quy hoạch trong dự án của khu công nghiệp Becamex sẽ được đấu nối với các tuyến đường sắt đô thị của tỉnh đi qua địa bàn huyện (tuyến TP. Mới – Mỹ Phước – Bàu Bàng – Long Nguyên, tuyến Mỹ Phước-Dầu Tiếng) để kết nối KCN Becamex với các khu vực khác như trung tâm TP Mới…
Mô hình cấu trúc phát triển
Trên cơ sở điều kiện hiện trạng của Bình Dương, định hướng liên kết vùng, đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Bình Dương theo mô hình cấu trúc phát triển gồm: Bình Dương phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo gồm 01 trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 Vành đai liên kết; 04 phân vùng phát triển.
Trong đó, Bàu Bàng thuộc trục phát triển chính của toàn tỉnh Bình Dương là trục phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục quốc lộ 13, Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – TP HCM; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng … làm trục liên kết, phát triển trục đô thị – công nghiệp -dịch vụ theo từng phân đoạn.
Bàu Bàng cũng thuộc Vùng đô thị vệ tinh (huyện Bàu Bàng) trọng tâm của vùng đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị đầu mối phân phối lưu thông giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, TPHCM. Trong tương lai, Vùng đô thị – công nghiệp – dịch vụ (hình thoi ở giữa) phát triển theo 3 đới, tương ứng với hệ đô thị quá khứ, hiện tại và tương lai (TP Dĩ An phía Nam, TP mới và TDM trung tâm, TP Bàu Bàng phía Bắc).
Với vùng huyện Bàu Bàng, thuộc khu vực phía Bắc đường vành đai 4 (các huyện, thị xã: Bến Cát, Tân Uyên, Bàu Bàng) phát triển các chức năng đô thị cấp vùng như công nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch để thu hút và hỗ trợ nhu cầu dịch chuyển từ trung tâm TP.HCM. Phát triển thành phố mới Bàu Bàng trở thành đô thị vệ tinh mới quan trọng của vùng. Do vậy, xây dựng dựng mô hình cấu trúc chung cho các đô thị công nghiệp dịch vụ tại Bình Dương nói chung và Bàu Bàng nói riêng để làm định hướng cho quy hoạch và quản lý phát triển các đô thị theo nguyên tắc chung, gắn với hệ thống hạ tầng khung toàn tỉnh. Làm cơ sở điều chỉnh, cải tạo và tái thiết các đô thị hiện hữu tại phía Nam.
Mô hình cấu trúc của đô thị Bàu Bàng: Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên. Phát triển đô thị Bàu Bàng trên cơ sở tăng cường mối liên kết giữa 3 trọng tâm: Lai Uyên – Hưng Hoà – Long Nguyên.
Tài liệu tham khảo: